09/05/2022 22:06 TIN TỨC & HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Đức Thế Tôn bắt đầu bằng thực tại của nhân sinh đầy dẫy đau thương và khổ não. Con người lại luôn luôn mong cầu phước lạc, xa lánh khổ đau, nhưng không biết đâu là nguyên nhân của khổ và phước lạc, thế nào mới chính là phước lạc đích thực, và con đường thực tiễn nào mới chính là con đường đi về an lạc ấy?
Nội dung của Kinh Chuyển Pháp Luân lý giải và nêu ra các chân lý về nỗi đau khổ và sự giải thoát nỗi đau khổ. Qua đó, Ngài bắt đầu thuyết pháp với giáo lý Tứ Diệu Đế, tức 4 chân lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngài thuyết giáo về Bát Chính Đạo để làm sáng tỏ thêm những khía cạnh của Tứ Diệu Đế. Tất cả học thuyết của Phật giáo, thì từ khi Phật tại thế mà truyền bá cho đến sau này, vẫn lấy Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo trong Kinh Chuyển Pháp Luân làm trung tâm. Chỉ có khác ở chỗ trình bày và giải thích mà thôi.
Trụ Kinh Chuyển Pháp Luân được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tạo dựng nhằm tôn vinh và lan tỏa tinh thần giá trị cốt lõi những lời dạy của Đức Phật trong bộ Kinh này.
Trụ Kinh gồm có 3 phần:
1. Đế trụ, cao 1,67 m, rộng 3,02 m, hình tứ giác giật cấp, biểu trưng cho Tứ Diệu Đế và Tam Hành Chuyển pháp luân, có khắc điểm các hoa sen cách điệu, bát cát tường, cặp Nai nâng bánh xe Chuyển pháp luân;
2. Thân trụ: cao 4,47 m, đường kính 1,6 m, hình bát giác, biểu trưng cho Bát Chính Đạo và con đường Trung đạo của Phật giáo;
3. Đỉnh Trụ: cao 1,96 m, gồm đế hoa sen tám cạnh, mỗi cạnh được khắc 1 trong 8 chính đạo; tám mái cách điệu bởi 8 cánh hoa sen. Hoa sen ở đỉnh trụ, biểu trưng cho Phật quả thanh tịnh giác ngộ viên mãn, được thành tựu bởi con đường giải thoát từ Tứ Diệu Đế, Bát Chính đạo và tinh thần Trung đạo của Phật giáo.
Toàn bộ Trụ Kinh Chuyển Pháp Luân có chiều cao là 7,7 m, nặng gần 100 tấn, được điêu khắc bằng chất liệu đá xanh Ấn Độ, quê hương của Đức Phật. Hình thể Trụ kinh được chế tác kết nối thu dần từ giữa các phần Đế - Thân - Đỉnh, tạo thành một Đài Sen vững chắc, hướng lên trời xanh, hàm chứa đầy đủ tư tưởng cốt lõi của Kinh Chuyển Pháp Luân.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tạo dựng Trụ Kinh này nhằm kế thừa tinh hoa những Trụ đá của vua A Dục (272-236 TCN) và Trụ Kinh Lăng Nghiêm được tạo dựng thời vua Lê Đại Hành (980-1005) dựng tại Chùa Nhất Trụ, Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Đồng thời, Trụ Kinh Chuyển Pháp Luân cũng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng ngôn ngữ văn hóa Phật giáo và tinh thần dân tộc Việt Nam trong thời kỳ Xã hội Chủ nghĩa hiện nay.
Trụ kinh được tạo dựng vào ngày lành tháng tốt năm Nhâm Dần (2022).
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam biên soạn/soạn khắc.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiệu đính/hiệu chỉnh.
Chủ trì thực hiện: Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
+ Thiết kế & Phối hợp triển khai: Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư kết nối và Phát triển CN Toàn Cầu (Globaltech).
+ Thời gian dựng Trụ kinh: Dự kiến năm 2022
+ Địa điểm dựng Trụ kinh: Ba miền Bắc, Trung, Nam, tại nước ngoài: Vườn Lộc Uyển (Ấn Độ), CHLB Đức...
Dự án chào mừng Đại hội GHPG VN 2022 - 2027