17/06/2021 11:39 TIN TỨC & HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Những lô xoài đầu tiên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu) được bàn giao cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử như: Công ty cổ phần nông sản xuất khẩu Đồng Giao, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost), sàn thương mại điện tử Shopee.
Ngoài ra, mận hậu và xoài tròn Yên Châu của tỉnh Sơn La cũng đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee từ ngày 28/5, được phân phối tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, các sản phẩm lên sàn đều được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Theo đại diện tỉnh Sơn La, để vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu đưa các nông sản như mận hậu, xoài... lên sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm nông sản; đồng thời, giúp các HTX, hộ sản xuất được tiếp cận, làm quen với cách bán hàng mới trên các sàn thương mại điện tử, qua đó sẽ tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn, nhất là các khách hàng nước ngoài.
Tất cả các sản phẩm xoài của các hợp tác xã trong tỉnh bàn giao cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và lên sàn thương mại điện tử lần này đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Để quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương trên khắp mọi miền đất nước thông qua sàn TMĐT, huyện Yên Châu sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ HTX, người dân xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX triển khai truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm để nâng cao tính minh bạch, tính cạnh tranh và phát triển bền vững thương hiệu.
Đặc biệt, tới đây, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với Vnpost triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hóa, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, năm nay, thời tiết thuận lợi, với diện tích trồng xoài vào khoảng 19.026 ha sẽ cho sản lượng thu hoạch 65.223 tấn với thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8.
Đối với trái nhãn, hiện diện tích trồng 19.224 ha, sản lượng ước đạt 98.500 tấn, thời điểm thu hoạch sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9.
Những năm trước, các sản phẩm như xoài, mận, nhãn của Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: VinMart, Big C, Lotte... và được tiêu thụ tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đặc biệt, xoài, nhãn đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc…
Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự kiến việc tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo đại diện tỉnh Sơn La, ngoài thị trường xuất khẩu, Sơn La cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống thì kênh thương mại điện tử sẽ được chú trọng hơn nữa, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử là hết sức quan trọng.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng, đối với Sơn La, hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream được đánh giá là phù hợp và hiệu quả hơn thương mại điện tử.
Bởi theo ông Phú, việc bán hàng trên kênh thương mại điện tử sẽ liên quan đến các vấn đề bao gói, bảo quản, làm thương hiệu sau thu hoạch... Trong khi đó, tại Sơn La chủ yếu các trang trại, HTX còn yếu khâu này. Hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream sẽ phù hợp với điều kiện của người nông dân.
Chính vì vậy, sắp tới, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của Sơn La hỗ trợ các hợp tác xã, chủ trang trại… đẩy mạnh phân phối qua kênh livestream trên các nền tảng số. Đây là một hoạt động mới của Cục Xúc tiến Thương mại nhằm giúp các đầu mối cung ứng hàng nông sản Sơn La tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với thị trường tiêu dùng theo xu hướng mới.
Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, để đảm bảo việc quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm được minh bạch, Cục đang từng bước hướng dẫn doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.
Cục Xúc tiến thương mại phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, từng bước hướng dẫn bà con nhập liệu vào nhật ký canh tác. Mã QR được gắn ở cổng vào, định kỳ chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phun trừ sâu đều được các HTX và các hộ canh tác nhập liệu, phục vụ cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Hải Yến