01/07/2021 14:48 Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Chúng ta nói về chuyển đổi số, suy cho cùng yếu tố cốt tử là ứng dụng CNTT để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho mỗi tổ chức và mang lại cơ hội lớn hơn cho mỗi người dân".
Hôm nay, Bộ TT&TT và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đồng tổ chức Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 tại Hà Nội. Với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” và xác định đây là Diễn đàn của hành động, Vietnam ICT Summit 2019 đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiến hành chuyển đổi số tại Việt Nam.
Diễn đàn năm nay có sự tham dự của trên 700 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, bộ và các cơ quan ngang bộ; các cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 47 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 13 quốc gia tại Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cùng đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước.
Trong phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, Việt Nam dù được đánh giá là phát triển nhanh so với khu vực và thế giới nhưng do xuất phát của chúng ta thấp nên cần phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Theo Phó Thủ tướng, để vượt lên trong cuộc đua tranh với thế giới, Việt Nam chắc chắn phải có khát vọng, khát vọng đó phải đi kèm với ý chí nhưng điều quan trọng là không chỉ có khát vọng, không chỉ có ý chí mà chúng ta phải có sáng tạo, phải đột phá ra khỏi những tư duy, những suy nghĩ, những ràng buộc mà do thói quen từ trước đến nay hay do điều kiện khó khăn vì chúng ta còn nghèo.
Thừa nhận chuyển đổi số là cơ hội cho Việt Nam, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, chúng ta không quên 2 điểm, thứ nhất là cơ hội đối với Việt Nam thì cũng là cơ hội cho tất cả các quốc gia, dân tộc khác, và trong cuộc đua tranh trong hợp tác ngày nay, cơ hội đó nếu không được tận dụng tốt sẽ biến thành thách thức.
Điểm thứ hai Phó Thủ tướng lưu ý, đây không phải lần đầu tiên CNTT mang đến cơ hội cho Việt Nam. “Nhìn lại từ những năm 90, những người làm CNTT có tuổi đều biết rằng khi đó chúng ta đã nói về kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông tin và cả về chuyển đổi số, kinh tế tri thức, Chính phủ điện tử. Bây giờ chúng ta nói về chuyển đổi số, suy cho cùng yếu tố cốt tử là ứng dụng CNTT để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho mỗi tổ chức và mang lại cơ hội lớn hơn cho mỗi người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam từng vận dụng được phần nào những cơ hội CNTT mang lại, như đã mạnh dạn số hóa ngành Bưu điện; nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cơ hội đã bị bỏ qua; nhiều đề án, mục tiêu mà kiểm lại chúng ta chưa làm được. “Vậy bây giờ chúng ta phải làm sao để cơ hội này được tận dụng một cách tốt nhất”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Đánh giá cao Diễn đàn năm nay với nội dung rất quan trọng là Chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, những chia sẻ, bàn bạc của các diễn giả tại Diễn đàn đã gián tiếp hoặc trực tiếp góp ý vào Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng đã giao cho Bộ TT&TT phải trình trong năm nay. Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm: “Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ TT&TT, Hiệp hội và với một Tổ chức gắn liền với sự kiện năm nay là Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam để cùng nhau xem, tiếp thu các ý kiến, bàn để sao cho Đề án này đúng tinh thần “đề ra mục tiêu lớn, tổng thể những bằng những hành động cụ thể và phải thật thiết thực”.
Một lần nữa nhấn mạnh quan điểm, chúng ta xác định mục tiêu lớn nhưng phải gắn liền với giải pháp đồng bộ, cụ thể, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: “Một công trình lớn, một lâu đài nguy nga cũng phải được xây dựng nên bằng những viên gạch, chứ nó không tự nhiên rơi cả lâu đài xuống cho chúng ta. Vậy chúng ta phải làm nó với một tâm thế, tư duy như thế nào?”.
Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải tự nhắc nhau Việt Nam đang có tâm thế của một nước còn kém so với thế giới, so với bè bạn. Và vì còn kém nên muốn vượt lên bằng người ta, chúng ta phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần.
Với tâm thế đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Chúng ta phải không chỉ là tư duy vượt qua khó khăn mà quan trọng hơn cả bây giờ là tư duy vượt lên chính mình. Phải vượt lên được khỏi cái tình cảm cảm tính, định tính, không có số liệu, không có bằng chứng trong ra quyết định, trong đánh giá; phải vượt lên được cái nếp “rộ lên một lúc rồi lại chìm đi”. Tức là, chúng ta phải sẵn sàng thay đổi những thói quen, những nếp nghĩ mà từ trước đến nay chúng ta vẫn quen và có nhiều người nói rằng đó là thói quen, thậm chí là nếp văn hóa”.
Để làm được việc trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tập trung xây dựng môi trường pháp lý để doanh nghiệp có được sự hỗ trợ của nhà nước và có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Cùng với đó, phải có chính sách về thuế, cơ chế phân bổ tài nguyên để không chỉ doanh nghiệp CNTT mà ngay cả các doanh nghiệp khu ứng dụng công nghệ mới cũng được hưởng những lợi ích thiết thực về mặt vật chất.
“Chúng ta tranh luận rất nhiều về mô hình kinh tế chia sẻ. Việc giải quyết các mô hình kinh doanh mới có vai trò rất quan trọng của Bộ TT&TT. Bằng sự hợp tác giữa các Hiệp hội, Bộ TT&TT sẽ thu nhận được các bức xúc, những vướng mắc trong việc phát triển ứng dụng CNTT, trình Chính phủ để buộc các bộ, ngành khác phải vào cuộc”, Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, chúng ta cần phải xác định được một số việc làm ngay và làm đến cùng. Đây chính là đầu bài cho giới CNTT, là nhiệm vụ cho các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước: "Giới CNTT và các cơ quan quản lý nhà nước phải làm sao để người dân khi đã cung cấp dữ liệu thì 1 lần và chỉ 1 lần, những lần sau, khi tiếp cận dịch vụ như vậy sẽ không phải khai báo lại nữa".
Đề cập đến một nhiệm vụ khác là làm sao để tất cả người dân Việt Nam đều có smartphone, để mọi người dân đều có thể thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thủ tướng gợi ý, chúng ta có thể đề ra các chương trình quyên góp điện thoại cũ, trang bị điện thoại smartphone cho tất cả mọi người.
Nói về sự ra đời của Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam, đại diện Chính phủ cho rằng, tới đây Liên minh sẽ không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà còn có cả các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp này sẽ không chỉ doanh nghiệp cung cấp giải pháp mà còn thúc đẩy, từ đó giúp tạo ra khát vọng cho mọi thành phần trong xã hội”, Phó Thủ tướng lưu ý.