06/12/2021 14:57 TIN TỨC & HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh thế giới diễn biến bất định, khó lường, không theo quy luật với khâu đột phá trong xây dựng chiến lược, gồm hạ tầng chiến lược, đặc biệt giao thông, viễn thông, lấy con người làm trung tâm.
Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số" do Ban Kinh tế trung ương tổ chức sáng 6-12.
Đặt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và khó lường, Thủ tướng cho hay Việt Nam đã chọn cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể; chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân, nên bước đầu đã mang lại hiệu quả.
"Khó khăn chỉ là tạm thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn hướng tới ổn định vững chắc, niềm tin nhà đầu tư, bạn bè quốc tế vẫn được giữ vững. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc được phát huy cao hơn trong bối cảnh khó khăn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ ra những thách thức khác đặt ra như cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, dịch bệnh… mang tính toàn cầu, tác động toàn dân, Thủ tướng cho rằng cần phải có cách tiếp cận mới, gắn với thực tiễn, linh hoạt. Theo đó, hiện Việt Nam đang tập trung hoàn thiện chương trình phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh để phục hồi và phát triển thì nội lực vẫn là cơ bản, chiến lược lâu dài mang tính chất quyết định; ngoại lực mang tính quan trọng đột phá. Nội lực dựa trên con người, thiên nhiên, văn hóa và truyền thống lịch sử; tính tự cường, tự lực và sự đoàn kết thống nhất của toàn dân tộc. Nguồn lực bên ngoài bao gồm công nghệ, vốn, khoa học quản trị…
Với quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực cho mục tiêu sự phát triển, Thủ tướng cho rằng cần phát huy hài hòa kinh tế, văn hóa với tinh thần muốn phát triển chuyển đổi số, công nghệ số thì phải có xã hội số, công dân số.
Do vậy, về thể chế sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh thế giới diễn biến bất định, khó lường. Trọng tâm là đột phá trong xây dựng chiến lược, gồm hạ tầng chiến lược, đặc biệt là giao thông, viễn thông.
"Vẫn còn những vùng lõm về phủ sóng, nên khó mấy cũng phải làm, đặc biệt điện và sóng cho vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Trách nhiệm không chỉ Chính phủ mà các địa phương cần quan tâm. Không có điện, không có sóng thì không có công nghệ số" - Thủ tướng nói.
Đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu nâng cao tinh thần vật chất người dân, lo cho người dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, phát huy tối đa yếu tố con người. Do vậy, phải tạo sự ổn định chính trị, dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiến tới nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng…
Đồng quan điểm chuyển đổi số không phải khẩu hiệu, càng không thể làm theo phong trào, ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương - cho rằng muốn chuyển đổi số thành công phải bắt đầu thay đổi từ tư duy và hành động con người.
Theo đó, ba xu hướng tương lai được chỉ ra gồm: với các hoạt động kinh tế, chuyển đổi số giúp thay đổi mô hình kinh doanh, xu hướng số hóa dịch vụ và hình thành nhiều ngành dịch vụ mới; xu hướng làm việc từ xa dẫn tới các hình thức lao động thay đổi, có thể làm việc tại nhà.
Sự thay đổi việc làm cũng kéo theo sự thay đổi, "giải nén" của không gian phát triển, khi những trung tâm công nghệ sẽ là động lực quan trọng cho phát triển sau đại dịch, đặt ra yêu cầu tư duy lại về quy hoạch, phát triển hạ tầng, phát triển khu đô thị vệ tinh, hệ thống sinh thái khởi nghiệp...
Theo Báo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/thu-tuong-muon-chuyen-doi-so-cong-nghe-so-phai-co-xa-hoi-so-cong-dan-so-20211206131205508.htm