13/07/2022 18:08 TIN TỨC & HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Đây là thông điệp của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khi tiếp và hội đàm với Ông Janusz Wojciechowski - Cao ủy Nông nghiệp EU tại trụ sở của Bộ vào ngày 11/7/2022.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành hàng nông sản Việt Nam. Thương mại nông lâm thủy sản hai chiều tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 5.2 tỷ USD năm 2021. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, con số này đã đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẵn sàng hợp tác với EU để tạo thuận lợi cho thương mại, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ quốc tế, hạn chế rào cản thương mại mới để thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản, tăng cường lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định
Ông Janusz Wojciechowski - Cao ủy Nông nghiệp EU bày tỏ sự hoan nghênh việc Việt Nam mới đây đã mở cửa thị trường cho nội tạng lợn của Ai Len và bơ sữa của Estonia. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông sản, hiện nay các nước thành viên EU vẫn đang có 65 đơn đăng ký mở cửa thị trường đang chờ phía Việt Nam xem xét, trong đó chủ yếu là các sản phẩm từ thịt và thực vật gồm trái cây và rau quả.
“Có nhiều đơn đăng ký đã được gửi cho phía Việt Nam từ giai đoạn 2014 - 2015, và từ 2018 đến nay Việt Nam chưa cấp giấy phép mở cửa thị trường nào cho các sản phẩm rau củ của phía EU. Trong khi ở chiều ngược lại, tất cả các đơn đăng ký của Việt Nam đều đã được các nước EU phê duyệt hết và hiện không còn đơn đăng ký nào về việc yêu cầu phía EU mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam”, ông Janusz Wojciechowski lưu ý.
“Chính vì vậy, phía Việt Nam xem xét đẩy nhanh tiến trình đánh giá và phê duyệt đơn đăng ký mở cửa thị trường, đưa ra một khung thời gian hoặc mốc thời gian rõ ràng, cụ thể, minh bạch cho tiến trình vốn đã trải qua rất nhiều thời gian này”, ông Janusz Wojciechowski đề nghị.
Ông Janusz Wojciechowski cũng hoan nghênh Việt Nam đã công nhận EU là một thực thể thống nhất, thông qua đó đưa ra những điều kiện nhập khẩu thống nhất, rõ ràng và minh bạch đối với các nước thành viên EU.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa một số quốc gia, gây quan ngại cho các quốc gia thành viên EU. Ví dụ, một số điều kiện nhập khẩu đối với mặt hàng nông sản của Ý so với Pháp hay Séc đã có sự khác biệt.
“Chính vì thế chúng tôi mong muốn hai phía sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán để có thể hài hòa hóa những chứng nhận của EU. Điều này sẽ có lợi trong việc công nhận thực thể thống nhất này”, ông Janusz Wojciechowski kiến nghị.
Trả lời vấn đề Ngài Cao ủy Nông nghiệp EU nêu ra, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Cục luôn dành sự ưu tiên thúc đẩy mở cửa thị trường rau củ quả từ EU sang Việt Nam. Ví dụ, mở cửa thị trường cho anh đào của Bỉ từ năm 2019, cho đến nay về báo cáo kỹ thuật chúng tôi đã gửi cho bên Bỉ vào tháng 6 vừa rồi.
Đối với Bulgaria đề đạt xuất khẩu cây hoa hồng có rễ, chúng tôi cũng đã thực hiện báo cáo kỹ thuật. Đối với Cộng hòa Séc, chúng tôi nhận được đơn đăng ký xuất khẩu quả táo từ năm 2015, nhưng từ năm 2020 đến nay do điều kiện Covid nên chúng tôi chưa đến kiểm tra xem xét vùng trồng.
"Hiện nay tình hình dịch Covid ở cả Việt Nam và Cộng hòa Séc đã ổn định, nên chúng tôi đề nghị Cộng hòa Séc bố trí lịch để đoàn của Việt Nam sang làm việc, kiểm tra vùng trồng trước khi cho phép nhập khẩu mặt hàng này", ông Dương đề nghị.
TS Đào Văn Cường, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam, khẳng định Việt Nam không có sự phân biệt đối xử giữa các quốc gia thành viên EU, đồng ý với quan điểm công nhận EU là một thực thể thống nhất. Tuy nhiên thực tế cho thấy vị trí địa lý khác nhau cùng những đặc thù về môi trường và thời tiết sẽ dẫn đến sự tồn tại của các dịch hại khác nhau. Vì thế cơ quan chuyên môn của Việt Nam cần đánh giá rủi ro của nông sản của thành viên EU.
Đề cập vấn đề EU tạm thời tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam, ông Cường cho biết với mặt hàng thanh long, trong năm 2021 Việt Nam đã thực hiện tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) nên không có lô hàng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ có 2 lô hàng bị vi phạm, 1 lô hàng bị suy giảm cảm quan và 1 lô hàng bị cảnh báo do dư lượng chất diệt nấm. Về các sản phẩm rau mùi, húng quế, bạc hà, ngò tây, đậu bắc, Việt Nam đã kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên không có lô hàng nào bị cảnh báo.
Ngài Cao ủy Nông nghiệp EU cho hay nếu cần phía EU sẽ cân nhắc phối hợp với phía Việt Nam tổ chức Diễn đàn về hợp tác kỹ thuật chia sẻ thông tin mở cửa thị trường về cả hai phía.
Ông Janusz Wojciechowski thông tin, thời gian qua EU đã hỗ trợ Việt Nam một số dự án phát triển nông nghiệp. Điển hình như dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành hàng gia vị và trái cây, dự án này được EU tài trợ thông qua tổ chức Oxfam kể từ năm 2020 đến nay.
Sắp tới, phía EU sẽ có kế hoạch về một số dự án hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, EU vừa thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển cây ca cao ở Việt Nam với khoản kinh phí 1,5 triệu Euro. Cùng với đó, là dự án thúc đẩy canh tác nông nghiệp sinh thái thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hoan nghênh EU có thêm những dự án mới hỗ trợ nông nghiệp tại Việt Nam. Việt Nam cũng mong muốn thu hút các dự án FDI từ EU tập trung phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là công nghệ lõi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cụm liên kết ngành các vùng chuyên canh lớn, chế biến nông lâm thủy sản, nâng cao giá trị nông sản, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại logistics…
Đồng thời mong muốn huy động thêm nguồn lực từ EU để giúp Việt Nam sớm hoàn thiện hệ thống kiểm soát gỗ hợp pháp và kiểm soát chống đánh bắt bất hợp pháp trên biển.
Theo báo VnEconomy
https://vneconomy.vn/viet-nam-va-eu-hop-tac-ky-thuat-mo-cua-thi-truong-nong-san.htm