16/06/2022 18:34 TIN TỨC & HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Ngày 16/6, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), Saigon Innovation Hub (SIHub) và Đại học Bách Khoa TP.HCM đã tổ chức Diễn đàn hợp tác công nghệ và thương mại Việt – Úc, xoay quanh chủ đề chuyển giao công nghệ và cơ hội kinh doanh giữa các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình tăng cường hợp tác kinh tế giữa Chính phủ Úc và Việt Nam (Australia-Vietnam Enhanced Economic Engagement Grant-AVEG) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao giải pháp, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số.
Theo khảo sát nhu cầu đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp ở Việt Nam, Giáo sư Eryk Dutkiewicz, Trưởng khoa Kỹ sư Điện và Dữ liệu của Đại học Công nghệ Sydney, cho biết: Đa phần các doanh nghiệp công nghiệp ở Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận công nghệ mới để tăng năng suất và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan hỗ trợ hai nước trong quá trình tiếp cận thông tin và công nghệ tiến tiến.
“Việc tổ chức diễn đàn hôm nay nhằm nâng cao năng lực xúc tiến, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, cố vấn chuyên môn cho doanh nghiệp hai nước là điều hết sức cần thiết và cần được tổ chức thường xuyên. Diễn đàn hợp tác công nghệ và thương mại Việt – Australia là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tiếp cận, giới thiệu công nghệ nổi bật hai nước”, giáo sư Eryk Dutkiewicz nhấn mạnh.
Đánh giá cao quan hệ song phương giữa hai quốc gia, Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM bà Sarah Hooper, cho biết: Chính phủ Úc rất ưu tiên và 1 trong 10 hoạt động tài trợ thông qua trường UTS và tài trợ 2,5 triệu USD tài trợ cho ngành kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, còn quan tâm đến cộng đồng người yếu thế. Đổi mới sáng tạo là điều cần thiết cũng như đó năng lượng sạch giúp Việt Nam đạt được trong cam kết của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) vừa qua về an ninh năng lượng.
Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub cho biết: Diễn đàn hợp tác công nghệ và thương mại Việt – Úc với sự chủ trì bởi cơ quan cấp cao của Chính phủ hai nước, sự tham gia của trường đại học kỹ thuật, công nghệ hàng đầu tại Úc và Việt Nam, SIHUB sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có được sự liên kết, hỗ trợ, kết nối mạnh mẽ trong quá trình tìm kiếm đối tác, chuyển giao công nghệ, giải pháp, chuyển giao nghiên cứu, xúc tiến thương mại và đầu tư.
Một số giải pháp, công nghệ được giới thiệu tại Diễn đàn lần này như sản xuất nước công nghệ cao cho kinh doanh nông nghiệp và chế biến thực phẩm; Chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển giao công nghệ cho SMEs; Ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế; Mô hình kinh doanh chia sẻ lợi nhuận trong đầu tư dự án năng lượng; Công nghệ sấy nông hải sản bằng năng lượng mặt trời; Ứng dụng blockchain trong truy suất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, giải pháp nông nghiệp thông minh (IoT),…
Thông qua việc kết nối giữa doanh nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giữa hai nước, Diễn đàn mong muốn đóng góp hướng tới hoạt động kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023 (26/2/1973-26/02/2023).
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Úc lần đầu tiên vượt ngưỡng 12,4 tỷ USD, tăng hơn 49% so với năm 2020. Xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt hơn 4,45 tỷ USD, tăng hơn 23% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt khoảng gần 8 tỷ USD, tăng xấp xỉ gần 70%, so với năm 2020. Ngoài ra, vị trí đối tác thương mại giữa hai nước cũng đã có sự cải thiện. Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia; ngược lại, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam.
Theo VnEconomy
https://vneconomy.vn/co-hoi-kinh-doanh-chuyen-giao-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-giua-uc-va-viet-nam.htm